Cho trẻ bú sữa sau khi mẹ thưởng thức thực phẩm có tính hàn, bắt trẻ ăn dặm sớm, bổ sung nhiều đạm để tăng cường thể chất mà quên đi đường Glucose, acid béo DHA có lợi cho trí não… là những sai lầm về dinh dưỡng thường gặp.
Trong 6 năm đầu đời, dinh dưỡng là miếng ghép quan trọng giúp trẻ phát triển thể chất và hoàn thiện cấu trúc chức năng của bộ não. Theo các chuyên gia nhi khoa, nhu cầu dinh dưỡng của bé thay đổi theo mỗi giai đoạn phát triển. Mẹ cần tìm hiểu từng thời điểm khôn lớn của con, nhằm cung cấp đúng dinh dưỡng, đúng giai đoạn.
Giai đoạn 0-6 tháng
Ở độ tuổi 0-6 tháng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển thể chất và trí não của bé. Do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, trẻ sơ sinh không ăn được nhiều, nên các cữ bú cần được chia nhỏ mỗi ngày. Tùy cơ địa và khả năng dung nạp của mỗi trẻ, mẹ có thể cho bé dưới một tháng tuổi bú 8-12 bữa mỗi ngày. Trẻ 1-2 ngày tuổi nên bú khoảng 30-90ml sữa mỗi bữa; 3-6 ngày tuổi tăng lên 60-90ml sữa; 7-30 ngày tuổi ăn 90-150ml sữa. Bé 1-2 tháng tuổi có thể rút ngắn cữ bú xuống 6-8 bữa mỗi ngày, duy trì lượng sữa 90-150ml mỗi bữa. Từ 3 đến 6 tháng tuổi, bé ăn được 120-210ml sữa mỗi bữa, 5-6 bữa mỗi ngày.
Để cung cấp đủ dưỡng chất cho bé, mẹ nên bổ sung cân bằng 4 nhóm chất đạm, đường bột, chất béo, vitamin B6, B12 và khoáng chất sắt, canxi. Theo khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Đông Nam Á, 80% trẻ em Việt Nam dưới 2 tháng tuổi bị thiếu sắt. Vì vậy, mẹ nên bổ sung sắt giúp bé hồng hào và đủ khoáng chất.
Mẹ cần năng lượng từ thức ăn khoảng 2.800 kcal và 2-3 lít nước mỗi ngày để đủ sữa cho con bú. Tuy nhiên, cần tránh các thực phẩm gây hại cho hệ tiêu hóa của bé như thức ăn có tính hàn (nghêu, sò, ốc, hến, bí đao, dưa leo, khổ qua, dưa hấu, nước dừa…); gia vị tính nóng (tiêu, ớt, hành, tỏi, gừng); thức ăn sống hoặc chín tái; đồ quá chua (xoài xanh, khế chua, chanh, quýt chua…); chất kích thích (rượu, bia, cafe)…
Giai đoạn 6-12 tháng
Năm đầu sau sinh cũng là thời điểm quan trọng để bổ sung dưỡng chất cho trí não, bởi đây là lúc não bộ phát triển với tốc độ cao nhất. Khi mới sinh, trọng lượng não chỉ bằng 25% so với khi trưởng thành. Nhưng sau 6 tháng, con số này lên đến 50% và 12 tháng là 75%. Với tốc độ tăng trưởng này, não cần nhiều dưỡng chất, đặc biệt là các acid béo hỗ trợ trí thông minh. Trẻ cũng cần có hệ xương cứng cáp, hệ thần kinh phát triển để điều khiển hệ cơ. Từ đó, trẻ dễ dàng thực hiện những bước đi đầu tiên, đạt cột mốc “Tập đi” trong giai đoạn này.
Sau 6 tháng, mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa. Nếu phải đi làm, mẹ có thể vắt sữa, trữ ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh. Thời điểm này, bé cũng có thể tập ăn dặm bằng cách làm quen với tinh bột. Khi mới bắt đầu, mẹ chỉ nên cho bé 6-7 tháng ăn dặm một bữa bột lỏng 100-200ml. Trẻ 8-9 tháng có thể ăn dặm 2 bữa bột đặc 200 ml cách xa nhau mỗi ngày và tăng lên 3 bữa bột đặc 200-250ml khi được 10-12 tháng tuổi.
Giai đoạn 1-2 tuổi
Bé 12 tháng bắt đầu phát triển kỹ năng về bàn tay, cầm nắm và vẽ nguệch ngoạc, nói sõi một số từ; 18 tháng có thể xếp được tháp ba khối và cầm bằng 2 ngón… Để đạt được các mốc này, ngoài khuyến khích bé vận động, mẹ cần bổ sung cân đối dinh dưỡng cho bé.
Thay vì hạn chế các chất đạm, béo gây áp lực cho hệ tiêu hóa như giai đoạn 6-12 tháng tuổi, bữa ăn dặm của trẻ 1-2 tuổi nên được cân bằng và đa dạng các loại thực phẩm. Mỗi bữa cháo cần đủ 4 nhóm thực phẩm gồm 25-30g tinh bột; 25-30g đạm (thịt, cá, trứng, nõn tôm…); 20-25g rau củ; 5-10g chất béo (dầu thực vật). Đồng thời, bổ sung các dưỡng chất như vitamin A giúp mắt sáng, inositol giúp phát triển thị lực, taurin giúp bảo vệ não, vitamin D giúp phát triển chiều cao…
Giai đoạn 2-4 tuổi
Ở giai đoạn này, não bộ của bé đã phát triển gần bằng 80% so với não người lớn. Trẻ bắt đầu thích khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, chơi đùa với cha mẹ và các bạn. Đây cũng là giai đọan trẻ dễ bị bệnh đường hô hấp và tiêu hóa. Vì vậy, để khỏe mạnh khám phá thế giới, trẻ cần selen và kẽm giúp bảo vệ đường hô hấp; chất xơ FOS và các vitamin A, C, E giúp bảo vệ đường tiêu hóa; magiê giúp chuyển hóa năng lượng cho não.
Giai đoạn 4-6 tuổi
Từ 2 đến 6 tuổi, dinh dưỡng là miếng ghép quan trọng trong việc hoàn thiện cấu trúc chức năng của bộ não. Não bộ của bé phát triển 80% lúc được 2 tuổi và hoàn thiện 100% khi lên 6 tuổi. Nếu ví quá trình hình thành trí não như cuộc chạy maraton, thì đây là giai đoạn nước rút quan trọng trước khi về đích. Mẹ nên chú tâm bổ sung dưỡng chất cho trí não con trẻ, nhằm giúp bé phát triển toàn diện cả 4 khía cạnh gồm trí thông minh, vận động, giao tiếp và cảm xúc. Giai đoạn này, trẻ cần các chất như cholin giúp tăng cường trí nhớ, tyrosin giúp trẻ nhanh nhạy tiếp thu điều mới, magiê giúp chuyển hóa năng lượng cho não, vitamin D và canxi giúp phát triển chiều cao.
Ở trẻ nhỏ, não bộ là cơ quan sử dụng năng lượng nhiều nhất và cũng “kén” nhất, chỉ dung nạp năng lượng từ đường Glucose. Giai đoạn đầu đời, não chiếm đến 74% chuyển hóa cơ bản năng lượng, trong khi não của người trưởng thành chỉ chiếm 23%. Tuy nhiên, Glucose có nhược điểm lớn là chuyển hóa quá nhanh, khiến năng lượng cung cấp cho não bộ không được ổn định. Mẹ nên bổ sung cho bé loại đường đôi Palatinose (Isomaltulose), gồm 2 loại đường Glucose và Fructose. Khi vào cơ thể, Palatinose được chuyển hóa chậm và giải phóng năng lượng từ từ, giúp cung cấp năng lượng liên tục và ổn định cho não hoạt động.
Ngoài chất đường chậm Palatinose, trẻ cũng cần bổ sung DHA mỗi ngày để phát triển toàn diện trí não trong 6 năm đầu đời. DHA chiếm tới 20% trọng lượng não bộ và chiếm tới gần 60% trong võng mạc, tác động tới trí thông minh và độ sáng của mắt. DHA có trong trứng, cá vùng biển lạnh, rau lá xanh, quả óc chó, các loại hạt; Palatinose có trong mía đường và mật ong nhưng hàm lượng rất thấp. Vì vậy, mẹ có thể bổ sung dưỡng chất cho trí não bé thông qua các loại sữa, chế phẩm từ sữa giàu Palatinose, DHA.
An San